Tin Tức - Sự Kiện

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO KIÊN QUYẾT ĐÓNG CỬA RỪNG

24/06/2016

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO KIÊN QUYẾT ĐÓNG CỬA RỪNG

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các giải pháp để khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên nhằm ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả nạn phá rừng nghiêm trọng ở “nóc nhà Đông Dương” này.


Hôm nay (20/6), tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc bảo vệ rừng Tây Nguyên, được coi như "nóc nhà Đông Dương", là đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Bên cạnh vai trò về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, điều tiết khí hậu… rừng còn gắn với văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, không gian sinh tồn của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp

Ghi nhận, hoan nghênh các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của rừng đối với Tây Nguyên, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng và cho rằng Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội gắn với việc bảo vệ rừng, góp phần đưa Tây Nguyên có bước phát triển mới.

Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, việc Tây Nguyên mất 41% diện tích rừng là rất nghiêm trọng. Chất lượng rừng còn lại cũng rất kém. Nguyên nhân, theo Thủ tướng, là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức, nhất là đất rừng chưa có chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng.

Điểm đáng lưu ý nữa là tình trạng di dân tự do từ nhiều tỉnh, thành phố đến Tây Nguyên làm trầm trọng hơn vấn nạn phá rừng.

Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng, nhưng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên chưa thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quyết tâm khôi phục, phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu đề ra, gắn với việc nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. Không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

“Chúng ta đã có một diện tích tương đối trồng cây cao su, cà phê và các cây công nghiệp khác, nên tiếp tục tập trung vào thâm canh, chế biến sâu, nâng cao chất lượng, chứ không phải tăng diện tích tràn lan”, Thủ tướng lưu ý.

“Phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên”, Thủ tướng khẳng định và cho rằng đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn đầu ra cho nạn phá rừng, buôn lậu gỗ.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp lại các nông, lâm trường, ban quản lý để đất rừng có chủ, có chính sách bảo đảm thu nhập cho người bảo vệ, trồng rừng. Ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

“Chúng ta có chủ trương khôi phục rừng khi làm thủy điện, nhưng nhiều dự án không thực hiện nghiêm, chỉ lo phát điện mà không lo trồng rừng”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền, các lực lượng công an, kiểm sát, quân đội vào cuộc, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn phá rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. “Gỗ rừng đâu phải cây kim mà có thể bỏ túi rồi đi được”, Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tôn vinh tập thể, cá nhân, lực lượng làm tốt công tác bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng trên địa bàn, giao nhiệm vụ này tới xã, huyện, cấp kinh phí và bố trí lực lượng kiểm lâm theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết kịp thời tình trạng di dân tự do, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng. "Mất rừng là mất Tây Nguyên", Thủ tướng cảnh báo.

 Rừng Tây Nguyên “chảy máu”

Các ý kiến phát biểu của Bộ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ, ban, ngành liên quan, cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên cùng thống nhất nhận định, rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng.

Tỉ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt; các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở; các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh. Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm còn 48,5%.

Chúng ta có nhiều chính sách bảo vệ, phát triển rừng trong thời gian qua, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Hiểm họa mất rừng Tây Nguyên ngày càng tăng cao, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cảnh báo.

Các ý kiến nhìn nhận 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng Tây Nguyên là chuyển đổi rừng và phá rừng. Cụ thể, chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 111.000 ha, chiếm hơn 40%; chuyển đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…) là 37.800 ha, chiếm 13,8%. Còn lại là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp là 122.900 ha, chiếm 45%.

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của tình trạng phá rừng là vấn đề di dân tự do, công tác quản lý bảo vệ rừng yếu kém, quản lý các cơ sở chế biến gỗ, tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả; việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đủ mạnh…

Từ đó, các ý kiến đưa ra một số giải pháp “cầm máu” cho rừng Tây Nguyên như kiên quyết thực hiện chủ trương dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương, cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi.

“Giải quyết sinh kế cho người dân là quan trọng nhất”, đại diện Bộ LĐTB&XH bày tỏ, nhất là sinh kế ngoài rừng như dạy nghề cho đồng bào dân tộc, bởi đời sống đồng bào quá khó khăn thì không thể tính tới chuyện bảo vệ rừng.

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giải pháp, chính sách phải đi liền với nguồn lực: “Chúng ta bàn giải pháp quá nhiều mà không có nguồn lực, hay nguồn lực quá ít thì làm sao triển khai được”. Bên cạnh đó, phải tổ chức lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh khi mà hiện nay, trung bình 1.200 ha rừng mới có một kiểm lâm thì quá mỏng. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng thì người đứng đầu địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Cổng thông tin điện tử Chính phủ